Bưởi Da Xanh Bến Tre
Trái bưởi da xanh có dạng hình cầu, nặng trung bình từ 1,2 -2.5
kg/trái. Khi chín, vỏ trái có màu xanh đến xanh hơi vàng, dễ lột và khá
mỏng (14-18mm); tép bưởi màu hồng đỏ, bó chặt và dễ tách khỏi vách múi; nước
quả khá, vị ngọt, không chua; mùi thơm; không hạt đến khá nhiều hạt; tỷ lệ thịt
đạt trên 55%.
Ở Bến Tre, bưởi da xanh được trồng khá phổ biến với diện tích
3.284 ha, và cũng như các loại trái cây đặc sản khác, được phân bố ở khắp các
vùng ngọt, lợ, trong đó 32,26% diện tích bưởi cho trái với năng suất 9-14
tấn/ha. Bưởi da xanh là loại cây ăn trái rất khó tính, đòi hỏi người trồng phải
biết cách trồng và chăm sóc, phải kỹ lưỡng, chịu khó chăm chút từng ly từng tí
thì sản lượng thu hoạch mới cao và cây mới sống được lâu.
Giống bưởi da xanh có nguồn gốc xuất xứ từ đâu? Câu hỏi này hiện
chưa có lời giải thoả đáng. Có người nói bưởi da xanh xuất xứ từ xã Mỹ Thạnh
An, thành phố Bến Tre, nhưng cũng có người cãi lại, cho rằng giống bưởi “quý
tộc” này chính gốc ở huyện Mỏ Cày Bắc, đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX.
Cho dù xuất xứ từ đâu thì đối với người Bến Tre bưởi da xanh vẫn
là loại trái cây quý, thường dùng làm quà biếu vào các dịp lễ, tết. Giá trị của
trái bưởi da xanh nằm ở chỗ nó không chỉ là món ăn ngon và bổ dưỡng, mà còn có
thể được xem là bài thuốc phòng và trị bệnh do thành phần dinh dưỡng có chứa
nhiều loại vitamin, khoáng chất vi lượng và đa lượng, kể cả một số hoạt chất
đặc biệt giúp phòng ngừa bệnh (như bệnh phổi, tim, gan,…) rất hiệu quả. Biết
được giá trị dinh dưỡng và phòng trị bệnh của bười da xanh nên người Bến Tre
dùng trái bưởi da xanh hầu như không bỏ thứ gì, từ phần ruột cho đến phần vỏ
đều có thể ăn tươi (múi bưởi) hoặc chế biến (vỏ bưởi).
Bưởi da xanh Bến Tre đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển
Nông thôn công nhận là giống quốc gia và được thị trường tiêu thụ trong và
ngoài nước ưa chuộng vì phẩm chất ngon đặc trưng. Tuy nhiên, việc đăng ký
thương hiệu Bưởi da xanh còn rất ít. Ngoài ông Đặng Văn Rô (Ba Rô) ở Mỏ Cày Bắc
đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp thương hiệu bưởi da xanh BR99, còn lại 3 tổ
chức, cá nhân đang làm thủ tục xin đăng ký thương hiệu là ông Hai Hoa (huyện
Chợ Lách), Nông Phú Điền (phường 8, thành phố Bến Tre) và Hợp tác xã Bưởi da
xanh Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre).
Trong tương lai, bưởi da xanh Bến Tre sẽ còn phát triển mạnh mẽ
cả về diện tích lẫn chất lượng trái và từ đó mở rộng hơn nữa thị trường tiêu
thụ trong và ngoài nước. Đóng vai trò chủ đạo trên con đường phát triển này là
chương trình canh tác bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn Viet GAP và Global GAP
và Chương trình phát triển trồng mới 4.000 hécta bưởi da xanh tỉnh đang triển
khai. Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã hoàn chỉnh quy trình
kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi da xanh phục vụ dự án phát triển 4.000 hécta.
Bên cạnh đó, Sở cũng đang xây dựng dự án xác lập quyền và quản lý nhãn hiệu tập
thể “Bến Tre” cho trái bưởi da xanh. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tạo thế
mạnh mới cho trái bưởi da xanh trên đường chinh phục thị trường. Nhưng bấy
nhiêu chưa đủ, muốn mở rộng thị trường xuất khẩu đồng thời để đáp ứng các yêu
cầu ngày càng khó của thị trường trong nước, thì nhất thiết trái bưởi da xanh
Bến Tre phải được trồng và tiêu thụ theo quy trình khép kín của Viet GAP và
Global GAP.
Bưởi Da Xanh Bến Tre -
vỏ xanh, ruột hồng và không hạt